Thực hiện Quyết định số 1340 ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Ngày 05/7/2018 HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 06 quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường và UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4019 ngày 06/8/2018 phê duyệt. Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020.
Đề án có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và toàn xã hội đối với chất lượng nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô.
1. Mục tiêu của Đề án:
Đề án cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày tại trường, phấn đấu đến năm 2020 trên 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo chương trình Sữa học đường, góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em thành phố Hà Nội
Nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp.
2. Những cơ sở khoa học khi thực hiện Đề án.
Theo Viện Dinh dưỡng, giai đoạn tiền học đường và học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ; là giai đoạn tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì; giai đoạn có sự biến đổi nhanh cả về thể chất và tâm lí, nhưng cũng dễ mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Dinh dưỡng lứa tuổi học đường đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai, trong đó chất đạm, chất béo và vi chất dinh dưỡng là những yếu tố chính tác động đến phát triển tầm vóc; các chuyên gia về dinh dưỡng trên Thế giới và Viện Dĩnh dưỡng
- Bộ Y tế đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học uống sữa tươi hàng ngày kết quả cho thấy tình trạng thiếu protein, thiếu vi chất dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt, chiều cao của trẻ tăng hơn so với nhóm không uống sữa. Nắm bắt cơ sở khoa học này, từ thế kỷ XX, nhiều quốc gia trên Thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Myanma...đã triển khai Chương trình Sữa học đường. Hiện nay một số tỉnh thành trên cả nước (Bà Rịa- Vũng Tàu, Nghệ An, Đồng Nai, Kon Tum, Hà Nam, Bắc Ninh...) đã và đang triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường.
Sữa học đường có thành phần sữa cân đối, giàu protein chất lượng cao cần thiết, các chất béo có lợi và chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần cho cơ thể, đặc biệt vitamin D và canxi, photpho, kẽm giúp xương phát triển tốt và tăng chiều cao. Vì vậy, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế khuyến nghị trẻ em cần được uống sữa hàng ngày theo Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
3. Thực trạng dinh dưỡng và một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng lứa tuổi mẫu giáo -Tiểu học:
Tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao, nhất là ở những vùng khó khăn, để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em. Hiện tượng gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường tại Hà Nội trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng.
- Thiếu vi chất dinh dưỡng như: vitamin A, vitamin D, thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm...ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực đặc biệt là chiều cao và quá trình dậy thì bình thường của trẻ. Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực không hợp lý, chế độ ăn mất cân đối, chất lượng các bữa ăn chưa đáp ứng đủ chất dinh dưỡng để phát tiển tối đa tiềm năng của trẻ, chưa chọn lựa và sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nuôi dưỡng trẻ chưa đúng cách.
4. Thời gian, đối tượng và định mức thụ hưởng Đề án:
Từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội được phụ huynh tự nguyện tham gia sẽ uống sữa học đường
Mỗi ngày các em uống một lần (1 hộp sữa 180ml ) trong 9 tháng đi học.
5. Cơ chế hỗ trợ và đóng góp thực hiện Đề án:
Giá sữa: Mức giá l hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đ/hộp = 180ml, không tăng giá từ năm học 2018 đến hết năm 2020.
- Học sinh diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, con bộ đội hạ sĩ quan được uống sữa miễn phí.
- Học sinh bình thường: Ngân sách Thành phố hỗ 30%. Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%; phụ huynh học sinh đóng góp 50% (đóng góp không quá 3.400 đ/hộp sữa tươi 180ml).
Sữa được dùng trong chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
---------------------------------------------
Tin tức khác :
- » Thời gian học
- » Năm học 2016 - 2017 tiếp tục đổi mới đánh giá học sinh tiểu học
- » Sửa thông tư 30: Xếp loại học sinh tiểu học theo A, B, C
- » Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017 của ngành Giáo dục
- » Phân công công tác
- » Thời khóa biểu khối 1
- » Thời khóa biểu khối 2
- » Thời khóa biểu khối 3
- » Nâng cánh ước mơ tuổi thơ
- » Phong trào từ thiện – một nghĩa cử cao đẹp của thầy và trò trường Tiểu học Trưng Trắc.